Đúng vậy, tại sao chúng ta không cầm bút và viết nhiều hơn?
Ngay từ thời đại học, mình đã được giảng rằng, viết là một công cụ rất hữu dụng trong việc truyền tải thông tin, giao tiếp, chia sẻ, tạo ảnh hưởng hay thậm chí là điều khiển luồng suy nghĩ của đám đông.
Có cơ hội nói chuyện với nhiều người, mình nhận ra phần nhiều trong số họ rất ít khi viết, đôi khi cũng rất ít khi đọc. Viết, hay đọc, để thật sự mang lại những lợi ích thiết thực liên quan đến việc phát triển bản thân, phải tùy thuộc vào ngữ cảnh cá nhân (sở thích, những mong cầu hiện tại, cảm xúc, ước mơ, những vấn đề tâm-sinh-lý-xã hội đang quan tâm, ý chí, niềm tim và v.v.), vì ngữ cảnh này sẽ quyết định chính yếu NỘI DUNG mà chúng ta sẽ viết, hoặc đọc.
Đối với cá nhân mình, mình đã thay đổi rất nhiều về Lối Tư Duy, Quan Niệm Sống và Cách Tiếp Cận, Phân Tích Thông Tin Mới nhờ vào viết, và đọc. Ồ đến giờ mới nhận ra, viết và đọc nên đi cùng nhau mới phải, vì nếu không đọc, chắc chắn sẽ không có nhiều góc nhìn và thông tin để viết. Mà nếu không viết, thì không biết mình còn thiếu thông tin gì để mà đọc.
Với viết, những status vu vơ vài chục hay vài trăm chữ thật sự không thể diễn tả hết được ngọn nguồn của một vấn đề. Việc viết ngắn ngọn và xúc tích về nghĩa là cả một nghệ thuật, hoặc chỉ đưa ra một phần của vấn đề.
Nếu khá mới mẻ với viết, hãy chọn thử một chủ đề. Biết đâu bạn sẽ thấy bất ngờ khi biết bản thân chúng ta cũng có thể viết như một tiến sĩ viết luận văn vậy.
Không nhất thiết phải là nhà báo thì chúng ta mới cần phải viết, vì khi viết, đơn giản nhưng không kém phần ý nghĩa, chúng ta sẽ nhận được những điều này:
Tự giải bày.
Dù sao thì cũng không thể ‘muốn viết gì thì viết’, trừ khi chúng ta rất quả cảm. Vốn là sinh vật dễ bị tổn thương, chắc chắn sẽ có lúc ta không dám nói ra những điều mình nghĩ, cho dù nó có tốt với người khác đi chăng nữa. Đó là lúc ta cần được giải bày, cần phải tìm một nơi để những suy nghĩ đó trú ngụ, lúc này có thể nói không còn đâu tuyệt vời hơn là trên trang giấy, hoặc trang blog như thế này (hehe).
Giữ trong lòng những suy nghĩ rối bời lắm khi sẽ dẫn đến stress, rất có hại cho toàn cơ thể. Vậy nên nếu không có ai có thể giải tỏa hay lắng nghe, tốt nhất ta nên tự tìm những cách để giải bày chúng. Tuyệt nhất là khi có những nỗi buồn, viết xuống giấy xong lại thấy lòng nhẹ tênh, kiểu như nếu ta quăng mảnh giấy đó đi, thì nỗi buồn cũng tự tan biến vậy.
Nó sẽ thế, nếu ta tin nó như thế.
Tăng sự kết nối và chia sẻ.
Đây có lẽ là mấu chốt của các trang mạng xã hội, hay là cốt lõi trong sự ra đời của Internet. Còn gì thú vị hơn khi có thể biết thêm nhiều người có cùng chung sở thích và hệ tư tưởng. Ý nghĩa của sự chia sẻ nằm ở chỗ, nó sẽ gầy dựng nên lòng tin cộng đồng, giúp người chia sẻ tăng giá trị của bản thân và người được chia sẻ cũng nhận được lợi ích tương tự, và sau đó lại tiếp tục chia sẻ với người khác.
Suy cho cùng, không ai muốn sống một cuộc đời vô ích. Hãy luôn luôn tìm cách để phục vụ người khác, bởi vì hầu như chẳng có công việc nào được sinh ra để chúng ta tự phục vụ cho chính mình cả.
Ăn nói lưu loát hơn.
Chính xác, có lẽ chúng ta không để ý, nhưng những gì chúng ta nói đôi khi rất tương đồng với những gì chúng ta viết. Không ít lần mình đọc tin nhắn của ai đó mà có thể tưởng tượng ra y chang cái giọng đọc của họ. Nếu đọc giúp ta mở rộng vốn từ, thì viết chính là lúc chúng ta kiểm tra lại trí nhớ của mình về mớ từ đó, và tất nhiên là tìm chỗ để vận dụng chúng.
Chưa kể cũng tránh được trường hợp ta bị lắp bắp khi tìm từ thích hợp để giải bày ý của mình.
Luyện kỹ năng mềm như kỹ năng sắp xếp, kỹ năng tư duy logic, kỹ năng phân tích tình huống, kỹ năng giải quyết vấn đề khủng hoảng phát sinh và v.v.
Cái này hay nè. Sắp xếp ý cho một bài viết coi bộ dễ mà khó không tưởng. Làm sao đọc vô mà không thấy gượng gạo, ý trước bổ trợ ý sau thế nào, rồi mở đầu ghi gì hay cuối đoạn thì kết câu chi. Có ý đồ hết trơn á.
Phân tích vấn đề là bắt buộc luôn, không phân tích thì không biết đang viết cái gì hết. Giải quyết vấn đề khủng hoảng tốt luôn, nếu viết gì đụng chạm là phải lên dây cót tinh thần chuẩn bị nhận gạch đá hay vài trăm ‘phren’ không cánh mà bay, hoặc nhỡ người ta thích quá, ái mộ quá, rồi…lỡ bị bệnh ‘ngôi xao’ thì xaooo?
Hiểu bản thân mình.
Mình nhận ra điều này sau khi gặp khủng hoảng ‘tuổi đi làm’. Thời gian nghỉ việc mình đã viết rất nhiều, mà đôi khi không dám đọc lại vì giọng văn hơi…chán chường và tiêu cực. Nhưng mãi đến khi mình viết thư động lực xin học bổng hay ứng tuyển vào trường, thì mọi chuyện lại khác.
Càng viết mình lại càng nhận ra điều mà trước giờ mình muốn làm là gì. Càng hiểu được những động cơ thúc đẩy mình trong cuộc sống. Hiểu được mình yếu ở đâu và mạnh ở đâu. Biết được mình đã đạt được gì, đang có gì và cần phải làm gì.
Cứ khi một chữ được gõ xuống máy, mình phải trầm ngâm đọc đi đọc lại xem nó có lột tả chính xác suy nghĩ và cảm xúc của mình không. Cẩn trọng và tỉ mỉ như kiểu nếu mình viết điều gì đó phi lý, mình sẽ phải chịu một sự ‘trừng phạt’ vậy.
Viết còn là một cách để chúng ta dành thời gian cho chính mình. Và những câu chuyện cá nhân luôn là chất liệu nội dung hấp dẫn nhất trong mọi bài viết, dù tin hay không nhưng câu chuyện của chúng ta đã và đang ảnh hưởng đến người khác rất nhiều.
Với những người bận rộn vì cơm áo gạo tiền, với những người buồn bã vì chuyện tình cảm, với những người ‘điên cuồng’ vì con cái, với những người luôn sống vì người khác, chúng ta đang dành thời gian cho bản thân như thế nào?
Chỉ là ý kiến cá nhân thôi nhưng viết thật sự rất tuyệt đối với mình <3
Bạn muốn thử hông? Chọn 1-2 câu sau viết thử nha.
- Định kiến xã hội nào khiến bạn cảm thấy ‘không thể chịu nổi’ khi nó được nhắc đến? Và tại sao?
- Nếu được hồi sinh vào kiếp sau trong hình hài con người, bạn muốn cuộc sống ấy trông như thế nào?
- Những ‘thành tựu’ nào bạn đã đạt được khiến bạn tự hào nhất? Và tại sao?
- Nếu bạn có thể thay đổi một điều ở bản thân để trở nên tốt hơn, đó sẽ là điều gì?
- Điểm yếu của bạn là gì? Tại sao bạn lại gọi đó là điểm yếu? Những tình huống nào giúp bạn nhận ra điểm yếu đó? Bạn đã tìm cách cải thiện nó chưa? Bạn có mong muốn cải thiện nó chứ?
Cảm ơn bạn đã ghé Miền An Trú, cùng đọc thêm các bài khác trên trang nhé. Happy reading !