Có những người không thích việc ở một mình, dù là ở nhà hay nơi công cộng. Họ luôn quen với việc có sự đồng hành của một ai đó. Cũng có những người rất thoải mái với việc ở một mình, và biến khoảng thời gian đó trở nên quý giá.
Không có gì đúng và sai giữa 2 sự lựa chọn này, vì mỗi người là một cá thế riêng biệt với nhu cầu và mong muốn khác nhau. Tuy nhiên, dù chúng ta ý thức hay không ý thức, thì những suy nghĩ, hành động và cảm xúc của ta luôn bị người khác chi phối khi ở trong đám đông.
Tỉ dụ như việc đi xem đá banh, ta sẽ thích xem một mình hay xem với bạn bè ở quán cà phê? Nếu là một người yêu thích đá banh, cảm giác chia sẻ niềm vui và nỗi buồn sẽ ‘đã’ hơn khi xem với người khác.
Tâm lý học xã hội đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra điều này, rằng ảnh hưởng của nhóm lên cá nhân là rất đáng kể. Vậy nên, để thật sự hiểu về động lực của bản thân trong cuộc sống, ta nên dành thời gian cho chính mình, để tách biệt khỏi những bận tâm gây ‘nhiễu sóng’ động lực của mình. Dành thời gian cho bản thân không phải là điều ích kỷ, mà là để hiểu bản thân hơn.
Bill Gates từ những năm 1990s đã dành hẳn 1 tuần – mà ông gọi là Think Week, để đi đến ngôi nhà gỗ ở phía tây bắc Thái Bình Dương. Trong 1 tuần Think Week này, Bill đọc sách và nghĩ về những vấn đề phức tạp mà ông muốn giải quyết. Mỗi năm ông đều dành 2 tuần như vậy. Khoảng thời gian này cũng chính là lúc Bill nghĩ về và vẽ nên cấu tạo của máy tính bảng Microsoft.
Không cần dành hẳn một tuần như Bill, liệu chúng ta có nên dành Think Hour mỗi tuần để đánh giá lại những gì mình đã làm trong tuần, và vạch ra những gì chúng ta sẽ làm tiếp theo không?
Khi ở một mình, để có thể hiểu được động lực của mình, ta nên để ý đến những cảm xúc và hành động của bản thân khi hòa mình vào đám đông. Liệu những động lực mà ta có lúc ấy có còn ‘tồn tại’ khi ta ở một mình?
Tâm lý học có khái niệm Intrinsic Motivation (động lực bên trong) và Extrinsic Motivation (động lực bên ngoài). Động lực bên trong đến từ việc ta làm một việc gì đó vì ta thật sự, thật sự hứng thú và muốn làm điều đó (chưa kể xấu, tốt). Và động lực bên ngoài chỉ ra rằng ta làm việc gì đó vì ta muốn đạt được một phần thưởng, gây ấn tượng với người khác hay vì người khác thúc ép, và vân vân.
Và tất nhiên là động lực nội tại luôn mạnh mẽ và bền bỉ hơn động lực ngoại tại, vì động lực ngoại tại có thể bị lấy đi bất cứ khi nào. Và khi ta quá trân trọng động lực ngoại tại đó, ta đã vô tình tạo cho mình một nỗi sợ – sợ rằng nó sẽ bị lấy mất.
Thật ra thì, ở một mình mà hiểu mình, thì không đáng sợ
Thật ra thì, ở trong đám đông mà không hiểu mình, thì mới đáng sợ.
Cảm ơn bạn đã ghé Miền An Trú, cùng đọc thêm các bài khác trên trang nhé. Happy reading !