Sona là một cô bé 10 tuổi sống tại quận Kanpur – một trong những nơi nghèo và được ‘gắn nhãn’ là tầng lớp cấp thấp ở Ấn Độ. Ba mẹ em sống qua ngày bằng cách nhặt các đồ có thể tái sử dụng trong đống rác cao gần 2 mét. Nếu không được đi học, Sona cũng sẽ đi theo con đường này của cha mẹ mình. Khi Gary – 1 đồng nghiệp của Melinda, đến Kanpur để nói chuyện với phụ nữ ở đây về kế hoạch hóa gia đình, trong suốt 3 tiếng ở đó, Sona đã tặng cho Gary 1 con vẹt mà em nhặt được trong đống rác và 4 chữ ‘I want a teacher’ (con muốn một người thầy/cô). Hơn 50 lần cô bé đã nhìn Gary với ánh mắt như thế. Với bản chất hồn nhiên, Sona vô tình trở thành ‘người đại diện’ ở khu em sống và là tiếng nói cho những điều mà phụ nữ ở đó không dám nói ra, ví dụ như cho em đi học. Điều này đòi hỏi Sona phải có bản lĩnh và sự dũng cảm.
Đây là một trích đoạn nhỏ từ quyển sách ‘The moment of Lift’ của Melinda Gates – 1 hành trình gần 20 năm của bà trong công cuộc giúp đỡ những phụ nữ ở các nước nghèo tiếp cận phương pháp kế hoạch hóa gia đình đúng đắn & an toàn. Melinda tin rằng phụ nữ có quyền tự quyết định thời gian sanh con và số con họ muốn có, thế nhưng điều này đang không xảy ra với hơn hàng trăm triệu phụ nữ nghèo, ngay trên đất Mỹ và các quốc gia khác.
Câu chuyện của Sona có cái kết thật đẹp, một người bản địa đã giúp những người sống ở khu rác đó đăng ký thường trú và họ bắt đầu mở trường cũng như các dịch vụ công khác. Sona đã có được người thầy, người cô mà em mong ước. Và hơn hết là sự tiếp xúc với sách, vở và viết.
Cuộc sống không công bằng, không phải ai cũng có cơ hội phát triển ngang nhau và được tiếp cận nền giáo dục. Khi lùi lại phía sau và nhìn vào bức tranh về thế giới, những mặt tối âm u có vẻ trông lớn hơn và xấu xí hơn. Mỗi khi nghĩ đến những hoàn cảnh như Sona, mình muốn trở thành một chiếc bóng đèn tròn, loại nhỏ thôi, để có khả năng san sẻ ánh sáng cho một nhóm người, và chính họ rồi sẽ trở thành một chiếc bóng đèn.
Đi học ở phương Tây cho mình cơ hội tiếp xúc với những tư duy mới từ nhiều lứa tuổi. Mình nhận ra cho dù là ở đâu đi nữa, thì sự phát triển của chúng ta đều đến từ nỗ lực của bản thân. Khái niệm mày Âu tao Á không giúp ích được gì trong những tình huống cần sự hợp tác, mà là mày nghĩ sao, kinh nghiệm của mày có giúp ích được gì trong trường hợp này và làm sao chúng ta có thể giải quyết vấn đề này.
Mình thật sự buồn khi thấy ai đó phí hoài cơ hội của chính họ. Cách đây 1 tuần khi làm việc nhóm cùng 5 bạn người Đức và Hà Lan, mình đã phải nói thẳng với 1 bạn rằng ‘tao xin lỗi vì đã nhắc nhở mày quá nhiều, tao trông một con bitch nhưng tao không muốn thế. Tại sao mày không làm phần mày nhận? Tại sao mày luôn nhắn tin cho một đứa khác trong nhóm khi không thể tham gia meeting? Tao rất buồn khi thấy người khác có cơ hội nhưng lại không nắm bắt nó.”
Hai đứa vẫn nói chuyện bình thường vì mình tin bạn biết rằng đây là điểm chung của nhóm, nhưng nếu bạn tiếp tục học với tâm thế như vậy, chắc chắn tư duy về trách nhiệm và sự phát triển của bạn sẽ gặp vấn đề trong tương lai. Mình biết một số bạn trong ngành không đọc sách nhiều, có thể cách học của họ khác mình nhưng mình luôn tự hỏi liệu người khác có muốn tìm đến những nhà tâm lý không có kiến thức nền, hay không yêu thích và tìm hiểu về công việc của họ hay không? Nhiều bạn trẻ bên đây mình cảm nhận họ cũng rất ‘lạc lối’ trong việc định hướng nghề cho bản thân.
Vậy thì nếu chúng ta còn cơ hội được học, xin mọi người hãy cứ học, học mọi thứ mà mình cảm thấy vui thú và mở mang. Và lan tỏa sự ham học đến con em mình. Học để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Trước khi học vì người khác, hãy học cho chính mình. Học là một hành trình kéo dài suốt cuộc đời con người, và được học, là một điều may mắn.
Cảm ơn bạn đã ghé Miền An Trú, cùng đọc thêm các bài khác trên trang nhé. Happy reading !