Mình nhớ những ngày trời se lạnh bên Hà Lan, khi mà mình vùi đầu vào những quyển sách tâm lý dày cộm đế chuẩn bị cho kỳ thi lý thuyết ở mỗi kỳ. Mình đã chậc lưỡi và ước chi những kiến thức tâm lý này được phổ cập ở các trường ở mọi cấp, bởi vì nó quá hữu ích và nhân văn mọi người ạ.
Khi đọc đến những vấn đề tâm lý cơ bản như lo lắng xã hội (social anxiety), trầm cảm (depression), mất phương hướng trên con đường hiểu bản thân (lacking knowledge of the self), lòng tự thấp (low self-esteem), định kiến xã hội, phân biệt chủng tộc giữa các tầng lớp (prejudice & discrimination), nghiện thuốc & chất (drug addiction) hay stress mãn tính (chronic stress), trong đầu mình đã hiện ra những cái tên.
Có thể đó là cái tên của một người em, người bạn, người anh, người chị hay người thân của mình. Mình thấy những triệu chứng, suy nghĩ hay hành động mà sách viết ở họ, và trong lòng mình đã khởi lên một tình yêu thương và sự xúc động lạ lùng. Mình muốn ôm lấy họ.
Mình tự hỏi liệu họ có biết rằng cơ thể và sức khỏe của họ đang dần dần bị ảnh hưởng lớn như thế nào không? Là một người có duyên đọc qua và hứng thú với những điều này, mình luôn cảm thấy thôi thúc để chia sẻ.
Con người chúng ta không ai muốn sống 1 cuộc sống khổ cực, bệnh tật, chúng ta cần nhiều thông tin hơn để có thể đưa ra những sự quyết định sáng suốt và tốt cho sức khỏe, tâm trí của chính mình, và của cả người khác. Ở đây mình sẽ viết về chủ đề bất lực học được (learned helplessness) và một số phương pháp mà mình tin sẽ giúp chúng ta vượt qua trạng thái tâm lý này.
Bạn – người đang đọc những dòng chia sẻ này có thể là 1 hoặc 2 đối tượng: người bất lực và người giúp người bất lực.
CÂN NHẮC
Trước khi đi vào định nghĩa và mô tả thí nghiệm, có một số điều mình cần cân nhắc trước với mọi người. Vì có thể nó sẽ gây khó chịu với những người yêu động vật. Trong các thí nghiệm tâm lý có sử dụng phòng thí nghiệm, bên cạnh con người thì động vật cũng là một đối tượng nghiên cứu. Vì có những phương pháp xâm lấn không thể thực hiện trên con người như cắt bỏ hay phá hủy một phần não, hoặc shock điện.
Theo những gì mình đọc về quy chuẩn đạo đức trong thí nghiệm, thì các con vật nếu phải hy sinh tính mạng cũng sẽ được chết theo 1 cách ít đau đớn nhất. Theo trang Tâm lý học tích cực (positive psychology) thì thí nghiệm này của Seligman đã gây ra rất nhiều tranh luận, cũng như là tiền đề cho nhiều lý thuyết tâm lý khác. Martin Seligman được xem là cha đẻ của ngành tâm lý tích cực. Ông có nhiều sách bán chạy và các chủ đề nghiên cứu của ông thiên về bất lực học được, tâm lý tích cực, trầm cảm, khả năng phục hồi, sự tích cực và tiêu cực.
Định nghĩa.
Bất lực học được (learned helplessness) được định nghĩa là một hiện tượng diễn ra ở cả con người và động vật, khi mà tâm trí chúng ta đã bị ‘cài đặt’ rằng chúng ta sẽ không bao giờ có thể chống cự hay thay đổi những nỗi đau, sự khó chịu, sự muộn phiền, hay những điều không hay diễn ra trong cuộc đời của mình.
Sự cài đặt này không phải tự nhiên mà có, mà được tạo nên qua bao nhiêu phen thử-ngã-thử-ngã, vì thế nó mới có thêm từ ‘học’ (learned hay conditioned). Cho đến khi sự thử-ngã này đã quá đủ, cho dù có cơ hội hay khả năng trốn thoát hoặc vượt qua những thử thách, chúng ta cũng không muốn cố gắng nữa.
Điều này khiến mình nhớ đến các từ khóa như ‘cam chịu số phận’, ‘số tôi vậy rồi’hay ‘làm gì cũng không thay đổi được’. Ngoài ra, nó còn liên quan đến suy nghĩ ‘tôi không thể kiểm soát được cuộc đời mình’.
Buổi thí nghiệm.
Buổi thí nghiệm về bất lực học được diễn ra vào cuối thập niên 1960 và đầu 1970 bởi 2 nhà tâm lý Martin Seligman và Steven Maier. Đối tượng của buổi thí nghiệm này là những chú chó, chúng được đặt vào một phòng/buồng chứa được chia làm 2 ngăn và có một vách ngăn nhỏ ở giữa, đủ để các chú nhảy qua. Sự khác nhau của 2 buồng chứa nhỏ là một bên sàn sẽ có điện còn bên kia thì không. Sau khi shock điện, 2 nhà nghiên cứu đã nhìn thấy một hiện tượng lạ: một số chú chó khi bị shock điện thì đứng yên chịu trận và chẳng nhảy sang buồng bên kia. Những chú chó này thật ra đã bị shock điện nhiều lần nhưng không tài nào thoát ra được.

Để nghiên cứu sâu hơn sự quan sát này, họ đã chia một nhóm nhiều chú chó mới thành 3 nhóm:
Nhóm 1: những chú chó này được nhốt vào buồng nhưng không nhận được cú shock điện nào
Nhóm 2: những chú chó này được nhốt vào buồng, bị shock điện nhưng có thể thoát được bằng cách lấy mũi của mình nhấn vào một bảng điều khiển
Nhóm 3: những chú chó này được nhốt vào buồng, bị shock điện và không có cách nào thoát ra được

Kết quả cho thấy những chú chó ở nhóm 1 và nhóm 2 nhanh chóng biết rằng chúng chỉ cần nhảy qua rào chắn là sẽ thoát được cú shock điện, nhưng ở nhóm 3, các chú chó này chẳng tỏ ra cố gắng để trốn thoát mà cam chịu cú shock điện.
Vì sao? Vì các chú chó ở nhóm 3 dựa trên kinh nghiệm cũ của mình để quyết định sự cố gắng trong tương lai. Và vì những lần cố gắng trước đó không thành công, nên các chú ‘không thèm’ thử nữa.Điều này cũng xảy ra tương tự trên các con vật khác như chuột hoặc voi, và ở cả con người nữa.
Nguồn tham khảo:
Ackerman, C., E. (March 04, 2021). Learned Helplessness: Seligman’s Theory of Depression (+ Cure). Retrieved from: www.positivepsychology.com/learned-helplessness-seligman-theory-depression-cure/
Cảm ơn bạn đã ghé Miền An Trú, cùng đọc thêm các bài khác trên trang nhé. Happy reading !