What makes you up all night? – Điều gì khiến bạn thức trắng cả đêm?
Nếu từ ‘đam mê’ có làm bạn quá ‘lú’ và có cảm giác xa vời, hãy tìm kiếm động lực và ý nghĩa trong công việc bằng cách nhìn lại những điều khiến bạn trăn trở.
Vì sau khi lắng nghe câu chuyện nghề nghiệp của nhiều người, mình chợt nhận ra dường như những dự án, sản phẩm, dịch vụ hay những điều tốt đẹp, vĩ đại, phi thường đều bắt nguồn từ một trăn trở nào đó.
Mình đã gặp những bạn trẻ là giáo viên, mang sự trăn trở cho sự phát triển về thể chất, tư duy và tinh thần của các bạn học sinh mà các bạn đang dạy. Rồi trăn trở về hình thức giảng dạy truyền thống, giáo án và tác phong của một số đồng nghiệp.
Trăn trở về vấn đề bạo lực học đường hay những hệ quả từ việc bị tổn thương tâm lý. Những điều này đã thôi thúc các bạn trong việc đưa sự tử tế, tư duy phản biện, sự sẻ chia cảm thông…vào trong giáo án mà các bạn đang dạy.
Nhìn lại bản thân mình, thật sự những gì mình đã và đang làm cũng bắt nguồn từ những điều khiến mình trăn trở. Sẽ không có những buổi chia sẻ, tư vấn cá nhân, workshop, video hay dự án cộng đồng về tâm lý học nếu không có những trăn trở này.
Làm sao để người trẻ trở nên vững vàng hơn trước những thử thách trong cuộc sống?
Làm sao giúp họ tìm ra sự tự tin, sự yêu đời và những phẩm chất tốt đẹp đã có sẵn trong họ?
Làm sao để con người ở mọi độ tuổi quan tâm và yêu thương nhau hơn?
Làm sao để chúng ta gạt bỏ sự thờ ơ, vô cảm?
Làm sao để có thể hỗ trợ nhiều người tìm ra con đường khiến họ hạnh phúc và đủ đầy?
Làm sao ảnh hưởng đến tầng suy nghĩ tiêu cực và hướng chúng đến tích cực?
Làm sao để chúng ta không phải mang những căn bệnh ở thể chất vốn được gây ra từ tâm lý bất ổn?
Làm sao để đạt được sự bình an?
Làm sao, làm sao và làm sao.
Đây là những điều khiến mình ‘ngủ cũng không yên’ vì có hôm tâm trí dành đến 30 phút để nghĩ về nó dù mình đã nằm yên như tượng trên giường.
Mình cũng đã tự hỏi bản thân, một đứa chưa có bằng tốt nghiệp, mới tiếp xúc với kiến thức tâm lý gần 2 năm, thì có nên đợi đến 1 lúc nào đó ‘đủ đầy’ thì mới làm gì đó hữu ích với vốn kiến thức đó không.
Không thể. Lương tâm mình không cho phép.
Không thể ngồi yên và cầu nguyện những người có tâm lý bất ổn tự trở lại bình thường khi họ còn đang hoang mang, hay đợi những bác sĩ hay chuyên viên tâm lý giải quyết hết những gì người có bất ổn tâm lý đang gặp phải. Vì số lượng người có tâm lý bất ổn, cơ bản là quá nhiều.
Mình tin quan trọng là chúng ta biết giới hạn kiến thức và khả năng của ta nằm ở đâu, những gì ta có thể và được làm với mức độ an toàn nhất định, tuân thủ theo quy định pháp luật, không gây ra ảnh hưởng gì tiêu cực.
Đừng bao giờ tin rằng những gì ta đang biết là nhỏ bé hay bình thường mọi người nhé, vì những gì ta đang biết là một nguồn kiến thức giá trị với những người không biết gì về ngành nghề hay cuộc sống của ta.
‘Arm yourself with knowledge’ – hãy trang bị cho bản thân mình kiến thức. Hãy khiêm tốn và kéo dài quá trình học tập, chia sẻ kiến thức đến cuối đời.
Mình hy vọng sẽ gặp thêm nhiều người có sự trăn trở về vấn đề tham nhũng, bạo lực học đường, bạo lực gia đình, bạo lực giới, sự công bằng, hạnh phúc, bảo tồn thiên nhiên, sức khỏe, giới trẻ và việc giữ gìn, phát triển văn hóa, những định kiến không phù hợp với thời đại, và vân vân.
Còn bạn thì sao? Bạn đang trăn trở điều gì?
Cảm ơn bạn đã ghé Miền An Trú, cùng đọc thêm các bài khác trên trang nhé. Happy reading !