Cuộc sống của chúng ta bao gồm rất nhiều khía cạnh nhưng dường như luôn có 2 phần cơ bản nhất, đó là phần nổi – những gì thể hiện ở mặt bên ngoài, và phần chìm – những gì thể hiện ở mặt bên trong.
Đối với cá nhân mình, phần nổi tượng trưng cho cách ăn vận, hành xử, sự thể hiện cảm xúc ngoài mặt…, còn phần chìm thường tượng trưng cho sức khỏe của các cơ quan nội tạng và sức khỏe tinh thần.
Có lẽ bị ảnh hưởng lớn từ tính chất công việc và sự tò mò cá nhân, mình luôn quan tâm đến phần chìm của những người tìm đến mình để chia sẻ câu chuyện cá nhân của họ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sức khỏe tinh thần được định nghĩa là ‘một trạng thái khỏe mạnh, vui vẻ mà trong đó mỗi cá nhân nhận biết được khả năng của bản thân, có thể ứng phó với sự căng thẳng thông thường, làm việc hiệu quả và có sự đóng góp cho cộng đồng’.
—
Những người có thử thách tâm lý mà mình gặp, tại thời điểm gặp gỡ, thường thiếu đi 1 đến 2 yếu tố ở định nghĩa trên. Cũng xin nhấn mạnh rằng họ ĐÃ CÓ những yếu tố đó, nhưng vì một lý do gì đó mà không thể khơi lại chúng trong thời điểm gặp gỡ, hoặc sự thiếu đó đã diễn ra một thời gian dài trước khi đến gặp mình.
Và có lẽ họ cũng không thể gọi tên được nó, rồi mình biết, nhiệm vụ của mình không có gì hơn là để họ trải lòng, giúp họ khơi lại những yếu tố đó qua cách kể và nhìn lại những trải nghiệm của chính họ.
—
Khi nói đến việc đánh giá cuộc sống của một ai đó, sẽ thật thiếu sót nếu ta chỉ xem lướt qua profile của họ trên Linkedin, Facebook, Tiktok, Instagram hay thậm chí là trang blog cá nhân. Bởi vì chính những phần chìm mới làm nên con người họ ngày hôm nay. Mà trên những profile đó, ta có thấy được những phần chìm của họ không?
—
Hôm đó chị và mình nói chuyện gần 4 tiếng dù mình chỉ định gặp chị tầm 2 tiếng. Chị kể cho mình nghe về Anh – một người đàn ông đứng tuổi, cao to, thành đạt và được nhiều người ngưỡng mộ. Ở xứ sở cờ hoa, dường như đó là một chiếc áo mà rất nhiều người muốn được khoác lên mình. Ngưới ta nhớ đến nước Mỹ, chắc cũng một phần vì sự ‘màu mỡ’ và sự bình đẳng cho việc kinh doanh.
Câu chuyện như được rẽ sang một hướng khác khi chị nhẹ giọng, Anh thật ra là một người rất cô đơn. Trong nhiều lần gọi điện sau đó, Anh khóc vì cảm thấy mình sắp bị bóp nghẹt bởi chính sự cô đơn của mình. Và Anh chỉ muốn gọi, lắng nghe giọng của chị.Không thể mãi nhấc máy, chị cũng đành dành ít thời gian cho Anh. Mình tự hỏi hiện tại Anh đang sống ra sao?
—
Mình cảm thấy thương những người thành đạt, vì dường như xã hội chỉ đánh giá tốt về họ dựa trên số lượng vật chất mà họ tạo ra hoặc sở hữu. Rất nhiều người sẽ bảo họ thật sướng, thật hạnh phúc, nhưng hình như ít ai hỏi họ đã phải trải qua những gì ở mặt tinh thần để đạt được sự thành công. Sự mất mát, sự thất bại, sự chia ly, cảm xúc như tàu lượn siêu tốc, những phút yếu lòng, sự bất lực…tại sao chúng ta chỉ chấp nhận những thứ tốt đẹp mà không phải những thứ xấu xí?
Nếu cuộc sống có Dương, chắc chắn sẽ có Âm.
—
Trong một bài giảng pháp về căn bệnh trầm cảm, thầy Minh Niệm có chia sẻ rằng, nhiều bậc cha mẹ luôn muốn con mình thành đạt và sẵn sàng gửi con vào những lò đào tạo, gây sức ép và vẽ ra một bức tranh thành đạt để hướng con đến cuộc sống mà HỌ mong muốn. Việc đi du học cũng được nhiều người lựa chọn ngay khi tinh thần của con chưa vững vàng cho một cuộc sống mới xa lạ.
Cha mẹ để con đi với bức tranh màu hồng, nhưng có nói với con rằng sẽ có lúc bức tranh ấy được tô điểm bằng những màu sắc không tươi sáng khác không? Có nói với con về căn bệnh trầm cảm không? Một khi con mắc phải thì có phụ huynh còn không biết trầm cảm là gì, và khi con không thể đạt được nguyện vọng thì lại mắng con là ngu ngốc, không có năng lực.
Vậy thì, con người chúng ta của ngày hôm nay, có phải ‘tự nhiên’ mà chúng ta như thế không?
—
Quay trở về câu hỏi ban đầu, dựa trên trải nghiệm cá nhân mình nhận định chúng ta cần phải có một khoảng thời gian tiếp xúc đủ lâu, có thể là tính bằng năm để có thể nhận xét về một ai đó. Ít nhất ta phải thấy được cách ứng xử, hay giải quyết vấn đề, hay suy nghĩ và niềm tin của họ trong nhiều tình huống. Mình biết có một số phương pháp giúp ta nhìn người, nhưng sự thay đổi là thứ luôn diễn ra, hôm nay ta ác, ngày mai ta có thể hiền và ngược lại. Điều quan trọng là có sự kiện gì đã diễn ra trong đời ta và khiến ta thay đổi.
—
Nếu muốn đạt được những gì mà người khác có, ta không thể chỉ khoác lên người những bộ đồ, lái một chiếc xe, yêu một người hay ăn những thứ giống người khác. Ta phải có được những niềm tin và suy nghĩ của họ, nói cách khác, ta phải có được một số phần chìm của họ.