Khi nhắc đến các rối loạn tâm lý phổ biến như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống hay tâm thần phân liệt, bạn có cảm nhận như thế nào? Từ xa xưa khi khoa học còn chưa phát triển như hiện tại, các rối loạn tâm lý đã được ví với những điều xấu xa hay quỷ ám.
Một dấu hiệu đáng mừng là khi khoa học phát triển, các vấn đề về tâm lý đã được nhìn nhận một cách khách quan hơn, có bằng chứng và nghiên cứu lâm sàng để giải thích rõ các cơ chế của rối loạn. Tuy nhiên, điều này cũng không thể ngăn cản sự phát triển của nhiều quan niệm sai lầm và định kiến trong xã hội về các rối loạn tâm lý. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu xem các sự hiểu lầm này là gì và nó được giải thích ra sao dưới góc nhìn của các chuyên gia y tế.
1. Các rối loạn tâm lý (RLTL) không hề phổ biến.
Câu trả lời là ngược lại. Theo trang Our world in data (2018), tổng số người trên thế giới mắc phải các rối loạn tâm lý được thống kê vào năm 2017 khoảng 792 triệu người. Trong đó top 5 rối loạn nhiều người mắc nhất gồm có:
- Rối loạn lo âu (284 triệu người)
- Trầm cảm (264 triệu người)
- Rối loạn lưỡng cực (46 triệu người)
- Tâm thần phân liệt (20 triệu người)
- Rối loạn ăn uống (16 triệu người)
2. Những người bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực rất hay thay đổi tính khí.
Rối loạn lưỡng cực thực chất không gây ra tình trạng thay đổi tính khí thất thường, mà nó gây ra những vòng lặp cảm xúc trong thời gian dài (theo tuần hoặc tháng) (Nami, 2019). Một số người vẫn dùng cụm từ ‘lưỡng cực/bipolar’ để chỉ thời tiết nhưng việc này làm giảm độ nghiêm trọng của chứng rối loạn này.
Rối loạn lưỡng cực khiến người mắc phải có những cơn cảm xúc như cơn hưng phấn (nhiều năng lượng, có ý nghĩ hoang tưởng, không thể ngủ hay ngồi yên) và cơn trầm cảm (buồn phiền, đánh giá thấp bản thân, không để tập trung). Những cơn cảm xúc này xảy ra lần lượt nhưng không thay đổi ngay lặp tức.
3. Bạn không thể ngăn ngừa các RLTL xảy đến với bản thân.
Đúng vậy, vì có những rối loạn tâm lý được gây bởi gen di truyền hoặc những sự kiện ngoài tầm kiểm soát của bạn như thiên tai, chiến tranh, tai nạn, mất đi người thân hay công việc có thể xảy đến. Nhưng ai trong chúng ta cũng có thể chủ động và có cách ứng phó tích cực với những sự kiện diễn ra trong cuộc sống, để giảm nguy cơ mắc phải một số rối loạn tâm lý (Morin, 2015).
4. Những người có RLTL không thể làm việc.
Điều này hoàn toàn không chính xác. Nhiều nghiên cứu chỉ ra những người có rối loạn tâm lý hoàn toàn có thể làm việc một cách năng suất như người không có rối loạn tâm lý (Mental health, 2017 & Newman, 2020).
5. Tất cả những người có RLTL đều bạo lực.
Đây là một sự hiểu lầm tai hại và cần được chấn chỉnh. Tại Mỹ, sau khi các vụ đụng độ bạo lực diễn ra, giới truyền thông thường phán xét những người tham gia và gắn nhãn ‘bị tâm thần’ hoặc ‘có rối loạn tâm lý’ cho họ (Nami, 2019). Điều này đã vô tình nhấn mạnh thêm sự kỳ thị đối với các rối loạn tâm lý.
Không thể phủ nhận rằng một số ít những người có rối loạn tâm lý có tâm tính rất khó đoán, nhưng chỉ có 5% những vụ án được gây ra tại Mỹ là do người có vấn đề tâm lý nặng. Có một sự thật đáng buồn được các chuyên gia tâm lý chia sẻ: “Những người có rối loạn tâm lý/tâm thần thường dễ dàng trở thành nạn nhân của bạo lực hơn là thủ phạm gây ra nạn bạo lực” (Newman, 2020).
6. Trẻ em sẽ không mắc phải các RLTL.
Điều này không chính xác vì hơn một nửa các rối loạn tâm lý có biểu hiện triệu chứng đầu tiên trước năm 14 tuổi và hơn ¾ các rối loạn tâm lý bắt đầu sau năm 24 tuổi (Mental health, 2017). Khi những trẻ em mắc phải rối loạn tâm lý, nguyên nhân có thể là do gen di truyền, sự phát triển sinh hóa trong cơ thể, môi trường sống hoặc từ chính tâm lý của các em.
7. Các vấn đề về RLTL là minh chứng cho sự yếu đuối.
Điều này không chính xác vì những vấn đề về sức khỏe tâm thần không liên quan đến sự lười biếng hay yếu đuối. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến các chứng rối loạn, ví dụ như yếu tố sinh học (gen, tổn thương vật lý, chấn thương hay quá trình sinh hóa trong não bộ), trải nghiệm sống bao gồm các sự kiện tiêu cực như sang chấn hay bạo hành, và tiểu sử về rối loạn tâm lý trong gia đình (Mental health, 2017). Điều ngược lại có vẻ đúng hơn khi nói “chiến đấu với một chứng rối loạn tâm lý cần rất nhiều sức mạnh” (Newman, 2020).
8. Những người bị tâm thần phân liệt (schizophrenia) có 2 nhân cách khác nhau.
Đây là một sự hiểu lầm vì tâm thần phân liệt mang nghĩa ‘sự chia đôi của não bộ’. Tuy nhiên, vào năm 1908, khi nhà tâm thần học Eugen Bleuler đặt định nghĩa cho cụm từ này, ý của ông là nó ‘chỉ sự phân mảnh và rời rạc của não bộ và hành vi, và đây là bản chất của rối loạn này’.
Tâm thần phân liệt khác với rối loạn đa nhân cách và theo WHO, tâm thần phân liệt ‘được mô tả bởi sự bóp méo trong suy nghĩ, nhận thức, cảm xúc, ngôn ngữ, sự tự ý thức về bản thân và hành vi’ (Newman, 2020). Sự bóp méo này có thể gây ra sự hoang tưởng và ảo giác.
9. Rối loạn ăn uống chỉ ảnh hưởng đến nữ giới.
Có thông tin rằng nữ giới, trẻ, da trắng và giàu có là đối tượng dễ mắc phải rối loạn ăn uống nhưng điều này không chính xác vì rối loạn ăn uống có thể ảnh hưởng bất kì ai. Một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng nam giới hiện nay đã chiếm 10-25% trong tổng số ca mắc phải chứng ăn – ói và biếng ăn, và 25% các ca cuồng ăn (Newman, 2020).
10. Rối loạn ăn uống là một phong cách sống.
Đây là một sự ngụy biện và thông tin sai lệch. Rối loạn ăn uống là chứng rối loạn có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của người mắc phải nếu không được chữa trị kịp thời.
Nguồn tham khảo:
Australian Department of Health, (May 2007). Myths, misunderstandings and facts about mental illness. Retrieved from: www1.health.gov.au/internet/publications/publishing.nsf/Content/mental-pubs-w-whatmen-toc~mental-pubs-w-whatmen-myth
Mental health, (August 29, 2017). Mental health myths and facts. Retrieved from: www.mentalhealth.gov/basics/mental-health-myths-facts
Morin, A. (November 09. 2015). The 5 Most Common Misconceptions About Mental Illness. Retrieved from: www.psychologytoday.com/us/blog/what-mentally-strong-people-dont-do/201511/the-5-most-common-misconceptions-about-mental
National alliance of mental health (NAMI), (October 01, 2019). Six myths and facts about mental illness. Retrieved from: www.nami.org/Blogs/NAMI-Blog/October-2019/Six-Myths-and-Facts-about-Mental-Illness
Newman, T. (October 5, 2020). Medical myths: mental health misconceptions. Retrieved from: www.medicalnewstoday.com/articles/medical-myths-mental-health-misconceptions
Ritchie. H, & Roser, M. (April, 2018). Mental health. Retrieved from: https://ourworldindata.org/mental-health
Cảm ơn bạn đã ghé Miền An Trú, cùng đọc thêm các bài khác trên trang nhé. Happy reading !
*Bài viết này chỉ có tính chất tham khảo và không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y tế.