Miền An Trú
  • Trang Nhà
  • Về Kim
  • Kiến thức tâm lý
    • Tâm bệnh học
    • Kiến thức khác
    • Hiểu về LGBTQI+
    • Trải nghiệm học tâm lý tại Hà Lan
  • Hành trình tỉnh thức
    • Chia sẻ về phát triển bản thân
    • Sự kiện/workshop
    • 30 ngày nghe Pháp thoại
  • Review sách & phim
  • Kinh Nghiệm Thi IELTS 7.0
  • Trang Nhà
  • Về Kim
  • Kiến thức tâm lý
    • Tâm bệnh học
    • Kiến thức khác
    • Hiểu về LGBTQI+
    • Trải nghiệm học tâm lý tại Hà Lan
  • Hành trình tỉnh thức
    • Chia sẻ về phát triển bản thân
    • Sự kiện/workshop
    • 30 ngày nghe Pháp thoại
  • Review sách & phim
  • Kinh Nghiệm Thi IELTS 7.0
No Result
View All Result
No Result
View All Result
stress/căng thẳng

Hiểu về stress (căng thẳng)

Kim Anh by Kim Anh
June 23, 2021
in Kiến thức khác, Tâm bệnh học
0 0
0

Sống cùng mẹ đến thời điểm hiện tại là một điều mình biết ơn nhất, và sống với mẹ trong đại dịch mình mới quan sát rõ hơn những gì mình đã được học trong sách về cơ chế phản ứng của cơ thể trước sự nguy hiểm hay thử thách – đây là covid đó.

Covid gây ra nỗi sợ mỗi ngày chứ nếu nhiễm 1 lần rồi thôi thì chắc sẽ không có gì để nói.  

Mẹ mình bị huyết áp cao (HAC), bệnh này không chừa một ai, thường được tin là sẽ xuất hiện khi ‘tuổi như chiều tà’ nhưng nay người trẻ không ngờ cũng dính nó. Huyết áp cao là khi “áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao…gây ra nhiều áp lực cho tim”.

Bên cạnh các nguyên nhân mà ta có thể tìm thấy trên các trang về sức khỏe, thì một trong những nguyên nhân dẫn đến HAC là do sự căng thẳng, lo âu và sợ hãi. Ít nhất, đây là thứ ta có thể tự mình kiểm soát và điều chỉnh. Ngoài ra còn có chế độ ăn uống, vận động và làm việc.

Ngày mình đọc về stress trong sách, mình đã ‘đổ mồ hôi hột’ vì tại sao gần 24 năm trời sống trên trái đất này, mình lại không mảy may tò mò về tác động của stress lên cơ thể của mình. Để khi BIẾT về nó rồi, thì biết bao ký ức ùa về, những diễn biến cảm xúc, những cơn đau trên cơ thể, những suy nghĩ tiêu cực…Được mô tả y như trong sách. Thấy có lỗi với chính mình – vì có lúc quá tiêu cực với bản thân, và có lỗi với người khác- vì đã lỡ làm họ stress. Thôi thì xem như cũng trải qua một bài học nhớ đời.

Sau khi BIẾT và HIỂU về stress, mình bắt đầu quá trình vòng lặp: ỨNG DỤNG – QUAN SÁT – ĐÚC KẾT.

Bài viết này chỉ là những chia sẻ cá nhân, trải nghiệm đến thời điểm hiện tại, cùng các thông tin mình đọc được trong sách vở và đó đây, hy vọng hữu ích với tất cả mọi người. Vì, nếu ta cứ mãi stress, ta sẽ không có thời gian và sức lực để yêu thương cuộc đời, và ôm stress cũng như ‘ôm bomb’ vậy.

P/s 1: stress mỗi ngày một ít thì không sao, nhớ giải quyết nó, đừng để rơi vào stress triền miên/mãn tính nhé.  

p/s 2: stress không phải lúc nào cũng xấu vì nó cũng có ‘stress this stress that’.

p/s 3: cơ thể con người là một sản phẩm diệu kỳ, hãy yêu thương, trân trọng và tỏ lòng biết ơn với em nó hằng ngày nha.

ĐỊNH NGHĨA VỀ SỨC KHỎE VÀ SỨC KHỎE TÂM THẦN.

Ta đã nói nhiều về sức khỏe nhưng chưa chắc đã biết nó bao gồm điều gì. Định nghĩa về sức khỏe và sức khỏe tâm thần đều do WHO đưa ra vào năm 1946, và sức khỏe bao hàm luôn cả sức khỏe tâm thần. Cá nhân mình tin rằng thân và tâm không tách rời nhau, nên khi muốn nâng cao sức khỏe thể chất, ta phải chú ý đến cả sức khỏe tâm thần, và ngược lại.

Rõ ràng khi ta bị stress, khả năng nhận thức của ta có thể bị ảnh hưởng (không phân biệt được cái gì nên hay không nên, có khi hoang tưởng, suy nghĩ thái quá, nhạy cảm…), sức mạnh nội tâm yếu khiến ta dễ nản chí và nổi giận, điều này ảnh hưởng đến các hoạt động sống như học tập, làm việc, sinh hoạt…và ảnh hưởng đến sự đóng góp, sự tương tác của ta đối với những người xung quanh.

***Biết được định nghĩa sẽ giúp ta quan sát, xem xét lại phần nào trong cuộc sống đang bị ảnh hưởng, để từ đó ta chủ động đi tìm hướng giải quyết. 

ĐỊNH NGHĨA VỀ STRESS.

Stress/căng thẳng được định nghĩa là những PHẢN ỨNG VẬT LÝ, CẢM XÚC, NHẬN THỨC VÀ HÀNH VI của cơ thể đối với những sự kiện được xem là thử thách (challenging) hoặc đe dọa (threatening).

Như vậy, stress được mô tả khá trung lập, và stress cũng có stress tốt (eustress) và stress xấu (distress).

DISTRESS là những căng thẳng được gây ra bởi những sự kiện tiêu cực hay sự phiền não, gây khó chịu cho chúng ta. Và EUSTRESS là những căng thẳng được gây ra bởi những sự kiện mang tính tích cực.

Nhưng tại sao eustress lại là stress? Bởi vì khi ta stress, cơ thể đòi hỏi một sự thay đổi hoặc thích nghi với một trạng thái mới. Vì vậy, dù một sự kiện tích cực cũng có thể gây stress cho chúng ta.

Ví dụ, khi chúng ta thi rớt, chúng ta sẽ cảm thấy phiền não (distress), còn khi chúng ta được sếp cho thăng chức, chúng ta sẽ cảm thấy vui và sẽ trải qua eustress – là stress tích cực. Việc cưới xin cũng có thể coi là eustress (2 sự kiện trên đều có thể là distress tùy theo hoàn cảnh của mỗi người).

*từ eustress được tạo ra bởi Hans Selye – một bác sĩ nội tiết và cha đẻ của lý thuyết về stress/nghiên cứu về stress. Theo sự cập nhật mới từ các nhà nghiên cứu dựa trên lý thuyết của Selye, những căng thẳng tích cực thật ra rất cần thiết cho sự phát triển của sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta. Ví dụ như một chút căng thẳng trước kỳ thi có thể giúp ta cảm thấy có động lực để học hơn, để nỗ lực hơn.

Cũng nên chú ý rằng sức chịu đựng stress và cách nhìn nhận stress của chúng ta có thể sẽ khác nhau. Vì vậy cùng một sự việc xảy ra, nhưng có người thì cảm thấy tiêu cực, còn có người thì tích cực. Nếu càng nhìn nhận vấn đề hay thử thách một cách tích cực, ta sẽ có cách phản ứng tích cực và vượt qua stress hiệu quả.

NHẬN BIẾT STRESS.

Nguyên nhân gây ra stress có thể xuất phát từ bên trong chính bản thân chúng ta và giữa chúng ta với người khác, như áp lực trong cuộc sống, sự thất vọng – sự kỳ vọng, sự mất kiểm soát (một tình huống nào đó), và sự xung đột.  

Trong hình là 14 câu tự đánh giá mức độ stress trong bộ 42 câu hỏi về trầm cảm, lo âu và căng thẳng (mỗi chủ đề là 14 câu, gọi là DASS 42). Như ta thấy, để có thể nhận ra các điều này đòi hỏi ta phải QUAY VỀ LẮNG NGHE CƠ THỂ của chính mình.  

Như định nghĩa thì các triệu chứng có thể diễn ra ở mặt cảm xúc (dễ cáu, nhạy cảm, kích động, không thoải mái…), mặt cơ thể (có người sẽ bị đau bụng, xốn xang phần bao tử, trào ngược axit dạ dày, rối loạn tiêu hóa, đỏ mặt, thở nông…), mặt hành vi (khó tập trung, mất bình tĩnh…).

Việc nhận biết các dấu hiệu này là quan trọng vì nếu không thể nhận biết thì ta sẽ bỏ qua và không tìm cách giải quyết stress triệt để.

Đợt mình có làm cái file trên google drive về DASS42/DASS21 cho mọi người tự đánh giá , tuy nhiên, đây không thay thế cho kết quả lâm sàng được, mọi người chỉ nên tham khảo và tìm đến sự hỗ trợ khi cần thiết nhé.

Link: Thang đánh giá Lo âu – Trầm cảm – Stress (DASS 42/DASS 21) – Google Sheets

ĐIỀU GÌ XẢY RA KHI CƠ THỂ STRESS?

Khi cơ thể rơi vào stress, nó sẽ kích hoạt cơ chế FIGHT-FLIGHT (chiến đấu hoặc bỏ chạy). Cơ chế này thuộc hệ thần kinh tự chủ (autonomic nervous system) và hệ thần kinh này bao gồm 2 phần là: hệ thần kinh GIAO CẢM (sympathetic nervous system) và hệ thần kinh ĐỐI GIAO CẢM/BÁN GIAO CẢM (parasympathetic nervous system).

Phần bị kích hoạt bởi stress thuộc sự điều hành của hệ thần kinh giao cảm, lúc này các phản ứng về mặt sinh lý sẽ diễn ra như hình dưới. Xem như có nhiều cơ quan nội tạng tham gia vào quá trình giúp chúng ta chống lại thử thách hay nguy hiểm. Lúc này năng lượng sẽ dồn vào các cơ bắp và ức chế các cơ quan như tiêu hóa hay giải độc. Bởi vậy khi cơ thể stress, cơ bắp của ta cũng bị…căng theo.

Còn nhớ có lần trước khi lên thuyết trình hay đi thi, mình bị căng thẳng đến độ đau quặn bụng luôn.

Nguồn: báo sức khỏe đời sống

Tạo hóa ‘sản xuất’ ra cơ thể con người thật thú vị và diệu kỳ, sau khi hệ thần kinh giao cảm làm tốt nhiệm vụ ứng phó với căng thẳng/nguy hiểm, não bộ sẽ báo cáo ‘hết hiểm nguy rồi’ và nhường lại chỗ cho hệ thần kinh bán giao cảm. Như mọi người thấy trên hình, hệ thần kinh bán giao cảm sẽ giúp cơ thể điều tiết lại mọi thứ.

Nếu không có sự vận động của hệ thần kinh bán giao cảm, thử hỏi một chiếc xe cứ mãi rồ máy ngay cả khi đã nằm trong garage của gia đình, thì cái xe đó có xài lâu bền được không? Ngay cả khi mình xài xăng rất xịn cho nó?

ẢNH HƯỞNG KHÔNG TỐT CỦA STRESS LÊN CƠ THỂ.

Nhà nội tiết học Hans Selye là cha đẻ của ngành nghiên cứu về stress và ảnh hưởng của nó lên cơ thể con người. Ông đã nghiên cứu về một chuỗi các phản ứng sinh học diễn ra trong cơ thể khi stress diễn ra và chuỗi này được gọi tắt là GAS (general adaptation syndrome – tạm dịch là hội chứng thích nghi chung).

1. Báo động – Alarm

Ở bước đầu khi cơ thể phản ứng với tác nhân gây stress, hệ thần kinh giao cảm (sympathetic nervous system) sẽ được kích hoạt. Tuyến thượng thận (adrenal gland) sẽ tiết ra hormone làm tăng nhịp tim, huyết áp và lượng đường huyết, khiến năng lượng trong cơ thể như bùng nổ. Những triệu chứng như nóng rang người, nhức đầu và hoa mắt là điều bình thường.

2. Chống đối – Resistance

Khi stress tiếp diễn, cơ thể vẫn bị hệ thần kinh giao cảm chi phối và các hormone stress vẫn được tiết ra để ứng phó với tác nhân gây stress.

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra hormone được tiết ra khi cơ thể bị stress gọi là noradrenaline (norepinephrine). Hormone này dường như đã tác động lên bộ xử lý nỗi đau của não, khiến cho chúng ta khi đang trải qua stress trở nên vô cảm với sự đau đớn. Ví dụ nếu ta đang điên tiết lên hay quá sợ hãi và lỡ có quẹt tay vào đâu đó thì ta cũng không cảm thấy đau lúc đó.

3. Kiệt sức – Exhaustion

Khi cơ thể đã sử dụng hết tất cả những nguồn lực hiện có, nó sẽ kiệt sức. Việc này có thể dẫn đến các căn bệnh thể chất như cao huyết áp hay suy giảm hệ miễn dịch hay sự suy thoái của một cơ quan nào đó nếu không có sự giúp đỡ từ bên ngoài. Tuy nhiên, khi stress đã qua đi, hệ thần kinh bán giao cảm (parasympathetic nervous system) sẽ được kích hoạt và đưa cơ thể trở lại trạng thái bình thường.

Hệ miễn dịch và stress.

Hệ miễn dịch bao gồm hệ thống các tế bào, cơ quan nội tạng và các chất hóa học bên trong cơ thể có nhiệm vụ phản ứng lại với sự tấn công từ các nguồn bệnh và chấn thương bên trong và ngoài cơ thể. Và hệ miễn dịch bị ảnh hưởng bởi stress.

Nếu bạn muốn tìm hiểu về quá trình ảnh hưởng của các yếu tố tâm lý như stress, cảm xúc, suy nghĩ, học tập và hành vi lên hệ miễn dịch, hãy tìm đọc thêm về lĩnh vực tâm lý thần kinh miễn dịch học (psychoneuroimmunology).  

Stress kích thích hệ miễn hệ dịch bên trong cơ thể tương tự như sự nhiễm trùng (infection). Khi cơ thể bị stress, ngoài một số chất hóa học được tiết ra trong não bộ để cảnh báo sự nguy hiểm, còn có một số hormones như dehydroepiandroste-rone (DHEA) được biết đến là hormone giúp động vật chống lại stress, cũng giúp con người trong việc kiểm soát stress bằng cách điều hòa sự ảnh hưởng lên hồi hải mãi (hippocampus) thuộc hệ viền trong não (limbic system).  

Sự ảnh hưởng của stress lên cơ thể chỉ tốt khi stress không kéo dài liên tục (prolonged stress) hay trở thành mãn tính (chronic stress), vì nếu cơ thể cứ liên tục rơi vào stress, các nguồn lực trong cơ thể dùng để chống lại stress sẽ cạn kiệt.

—

Bác sĩ nội tiết thần kinh Robert Sapolsky đã giải thích stress thật ra là một phản ứng ngắn hạn của cơ thể. Trong ngữ cảnh của tiến hóa, chúng ta cần stress để khởi động hiệu ứng chạy-chiến đấu (flight-fight) khi gặp nguy hiểm. Nhưng trong cuộc sống thực tế ngày nay, con người đang trải qua các cơn stress kéo dài và điều đó sẽ làm hệ miễn dịch suy yếu theo thời gian.

Nếu ai biết giải tỏa thì thật hay, còn không thì thật hại. Quan trọng hơn là có những thứ không đáng để làm ta stress, mà ta vẫn stress.  

—

Phản ứng viêm (inflammatory response) cũng là một phản ứng quan trọng của cơ thể và có liên quan đến stress. Phản ứng viêm xảy ra khi chúng ta có một số tổn thương trong các tế bào. Có thể là do vị virus tấn công, nhiệt độ, các chất độc hại hay các tổn thương vật lý, và vân vân. Các tế bào tổn thương này sẽ tiết một số chất hóa học làm mạch máu rỉ các chất lỏng vào các tế bào xung quanh, từ đó gây nên sự viêm hay sưng tấy.

Có thể bạn không tin nhưng sự viêm này chính là một phản ứng của hệ miễn dịch trước các tác nhân/chất xâm lấn trong cơ thể, và cản trở sự xâm lấn vào các tế bào khác. Giống như cơ thể đang ‘xù lông’ lên để bảo vệ chúng ta trước nguy hiểm ấy.   

—

Một nghiên cứu của giáo sư tâm lý Sheldon Cohen đã chỉ ra rằng những người bị stress triền miên có khả năng bị cúm cao hơn người bình thường, và sự hiệu quả của hormone điều hòa stress như cortisol cũng kém hiệu quả ở những đối tượng này.  

Chưa dừng ở đó, các nhà nghiên cứu khác (Hildreth, Pashkow, Rakoff-Nahoum) cũng tìm ra chứng cứ cho thấy stress triền miên làm giảm khả năng điều hòa sự viêm nhiễm của cơ thể. Và nếu cơ thể bị viêm ở mức độ cao, các căn bệnh khác như viêm khớp, bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư sẽ ‘không mời mà đến’.

Stress và bệnh tim mạch.

Stress sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành – vốn là bệnh được gây nên bởi các mảng bám vào các thành của mạch máu. Stress ảnh hưởng đến quá trình sản xuất ra các protein nhỏ có tên là cytokine vốn liên quan đến quá trình phản ứng viêm của cơ thể. Stress còn ức chế hoạt động của gan khi hệ thần kinh trung ương đang bị kích động, khiến cho các chất béo và cholesterol trong máu không được rửa sạch. Điều này có thể dẫn đến việc tách nghẽn mạch máu và đột quỵ.

Stress và bệnh tiểu đường.

Bởi vì stress ảnh hưởng đến các yếu tố sinh lý của cơ thể như giấc ngủ, vận động và ăn uống, vấn đề cân nặng chắc chắn cũng liên quan đến stress. Tiểu đường type 2 là một căn bệnh mãn tính liên quan đến việc tăng cân quá mức, và lượng insulin được cơ thể tiết ra để phân giải đường lúc này đã mất sự hiệu quả vì trọng lượng cơ thể tăng. Một nghiên cứu đã chỉ ra sự kháng insulin có liên quan đến nồng độ cao của chất cytokine của hệ miễn dịch. Và như ta đã biết, stress có thể làm tăng sự sản xuất cytokine. 

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Toker và đồng nghiệp năm 2012 đã chỉ ra rằng mức độ stress ở công sở có thể dự đoán nguy cơ bị tiểu đường type 2 nhất là đối với các đối tượng ít nhận được sự hỗ trợ từ người thân hay xã hội.   

Stress và ung thư.

Ung thư không phải là một loại bệnh mà là một ‘bộ sưu tập’ nhiều loại bệnh gây ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Ung thư diễn ra cho các tế bào bình thường không tuân theo các chỉ dẫn phát triển thông thường, mà sinh sôi nảy nở ‘vô tội vạ’. Điều này dẫn đến việc hình thành các khối u và gây ảnh hưởng đến các chức năng sinh hoạt hằng ngày của các hệ thống và cơ quan trong cơ thể, khiến các cơ quan này bị suy thoái và kiệt quệ.

Stress không phải là yếu tố dẫn đến ung thư trực tiếp, nhưng nó ảnh hưởng trực tiếp đến hệ miễn dịch. Một khi hệ miễn dịch bị suy yếu, sự kiểm soát các quá trình phát triển bất thường sẽ bị suy giảm. Cụ thể hơn, stress làm ức chế quá trình sinh ra tế bào tiêu diệt tự nhiên (natural killer – NK) của hệ miễn dịch. Tế bào NK có chức năng chống lại các virus và ức chế sự phá hủy của các khối u trong cơ thể.

Các nghiên cứu của Kiecolt-Glaser và đồng nghiệp năm 2002 cũng chỉ ra khi cơ thể bị stress, các hormone như adrenaline và noradrenaline được tiết ra trong thời gian dài có thể gây ra các lỗi trong quá trình phân chia của gene. Ví dụ như phá hủy telomeres – một cấu trúc ở cuối chuỗi chromosome và điều khiển số lần mà một tế bào phân chia. Những lỗi này tích tụ qua thời gian khiến các tế bào bắt đầu phát triển ngoài tầm kiểm soát và hình thành nên các khối u có khả năng dẫn đến ung thư.

Stress và các vấn đề sức khỏe khác.

Ngoài các căn bệnh trên, stress có thể làm tăng nguy cơ và mở đường cho các căn bệnh khác như trầm cảm, HIV/AIDS và các rối loạn trong cơ thể khác. Một nghiên cứu dài hạn của Kulmala và đồng nghiệp vào năm 2013 đã chỉ ra rằng, các đối tượng trung niên đã trải qua stress liên quan đến công việc có nguy cơ gặp phải các khuyết tật về thể chất và tinh thần khi về già.  

NHỮNG ĐIỀU NÊN LÀM ĐỂ QUẢN LÝ STRESS.

Sau khi dùng hết 5 giác quan để cảm nhận về stress ta quay về câu hỏi quan trọng là liệu stress có thể được điều tiết hay kiểm soát không.

Được chứ.  

Vì stress hay không là còn tùy thuộc vào sức chịu đựng stress và cách nhìn nhận stress của mỗi người, cái này thì không phải ai cũng giống nhau. Cùng một sự việc diễn ra nhưng 2 người có sức chịu đựng, có cách nhìn nhận, tiếp cận và phản ứng khác sẽ cho ra kết quả khác.

Để có thể hiểu được cơ chế tâm lý của chúng ta về quá trình đối phó với stress, ta có thể tham khảo qua mô hình đánh giá nhận thức của nhà tâm lý nhận thức Richard Lazarus (cognitive appraisal approach).

Theo Lazarus, cách mà chúng ta đánh giá một yếu tố gây stress có thể ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của yếu tố đó. Mô hình này khá đơn giản và bao gồm 2 bước: (1) mức độ đe dọa của yếu tố gây stress được đánh giá bởi chúng ta và (2) các bước mà chúng ta sẽ sử dụng để phản ứng với các yếu tố đó.

mô hình đánh giá nhận thức của Richard Lazarus (cognitive appraisal approach

Với cá nhân mình, quá trình giải quyết stress cũng diễn ra như trong mô hình của Richard Lazarus. Và ngay ở bước đầu, nếu mình xem sự việc diễn ra là một BÀI HỌC hay một THỬ THÁCH thì đúng thật là mình sẽ có động lực vượt qua hơn, chứ không rơi vào trạng thái bất lực. Vì biết rằng suy nghĩ và niềm tin sẽ ảnh hưởng đến hành vi nên mình dành nhiều thời gian để làm việc với phần nhận thức.

Cơ bản mình thấy có 2 phần chúng ta nên tập trung phát triển để quản lý và ứng phó với stress hiệu quả, đó là nguồn lực bên trong mỗi cá nhân và nguồn lực bên ngoài.

Nguồn lực bên trong bao gồm:

Sức khỏe thể chất: tăng thời gian vận động, di chuyển, thể thao (thúc đẩy cơ thể tự sản sinh hormone endorphine – giảm đau, tạo ra trạng thái hạnh phúc, gần gũi). Luôn nhớ nuôi dưỡng thân thể như nuôi dưỡng cây, càng làm nhiều thứ tốt đẹp cho nó thì nó càng khỏe, và giúp mình có cơ hội làm nhiều điều mình muốn khi còn…thở.

Tăng cường năng lực thích nghi và phục hồi sau nghịch cảnh. (trải nghiệm cá nhân: mình đã phải thay đổi từ suy nghĩ và niềm tin nhiều, rồi tự quán chiếu, xem xét các chủ đề liên quan đến nghịch cảnh, ví dụ như cái chết, các căn bệnh có thể xảy đến, các sự kiện không mong muốn như dịch bệnh, thiên tai…đây là một hành trình nên mình chưa thấy điểm dừng, sẽ vẫn phải tiếp tục phát triển khả năng này).

Tăng cường khả năng quản lý bản thân, kỹ năng mềm trong quản lý cảm xúc, lắng nghe cơ thể đang cần gì, đang trải qua điều gì, đối xử tốt với bản thân, dũng cảm đối mặt với cảm xúc của bản thân và tác nhân gây căng thẳng, nhìn đến điều có thể hơn là điều không thể, có một danh sách các giá trị sống tích cực và luôn nhắc nhở bản thân về chúng, chấp nhận bản thân dù tốt hay xấu và luôn hướng đến phiên bản tốt hơn của mình…

Thử các hoạt động mới mẻ để khơi dậy sự sáng tạo và mở rộng góc nhìn trong giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Sống chậm thở sâu: stress làm cho ta thở nông chứ không sâu, và hơi thở đã được chứng minh là một công cụ hữu ích giúp cơ thể đi vào trạng thái thư giãn. Trước khi tìm đến nguồn lực bên ngoài thì quay về nguồn lực sẵn có như hơi thở là một điều thật giản đơn, ai cũng làm được. Khi trở về với hơi thở, tập trung vào hơi thở thì trí óc cũng không nghĩ về sự căng thẳng kia nữa, tạm thời bình tĩnh để có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn – đây cũng là thực hành chánh niệm (sống trong giây phút hiện tại).

Tập các môn hoặc hoạt động giúp giãn cơ bắp: vì cơ thể có trí nhớ nên căng thẳng có thể tụ lại trong các cơ bắp, nên chú ý đến các bài giãn cơ, massage, yoga, thiền, khí công, hay thậm chí đi châm cứu…

Né: rượu bia, các chất khiến hệ thần kinh bị kích thích như caffein/mai thúy…vì càng xài thì cơ thể càng khó thư giãn, trước mắt thì né luôn các tác nhân làm mình căng thẳng.

Vân vân….

Nguồn lực bên ngoài bao gồm:

Thần linh, cầu nguyện: mình thấy cầu nguyện giúp cho niềm tin trong cuộc sống của mình được củng cố lắm nha. Nhưng thay vì cầu ‘không gặp phải thử thách gì’ thì mình cầu ‘có đủ sức mạnh để vượt qua thử thách’ vì vế đầu nghe…hư cấu quá (haha).

Thiên nhiên: một nơi tuyệt vời cho những mọi tâm hồn vì thiên nhiên vốn không chỉ trích, phán xét, phân biệt ai bao giờ, lại có nhiều oxy và nhiều sự sống, sinh vật phong phú. Bởi vậy phải giữ rừng bằng mọi giá, trồng thêm cây, giảm rác thải ra biển và đất liền.

Xây dựng, giữ liên hệ với các mối quan hệ có ý nghĩa: gia đình, vợ chồng, người yêu, bạn bè, anh chị em kết nghĩa, coach, mentor, sếp…và những ai có thể sẵn sàng dành thời gian chất lượng, sự quan tâm, lắng nghe mình (tất nhiên mình cũng làm điều này tương tự với họ, không ai thích duy trì mối quan hệ 1 chiều hết).

Trong trường hợp cần thiết, nếu căng thẳng đến từ những người mình yêu thương, hãy nói cho họ biết mình cần thời gian để bình tĩnh, chớ nếu không chỉ vì căng thẳng, nóng giận mà làm tổn thương nhau. Khi họ yêu thương mình, họ sẽ quan tâm và hiểu cho mình.

Trong trường hợp căng thẳng đến từ người không thân với mình, hãy để ý đến 2 điểm:

  • Mục đích thật sự đằng sau những gì người này làm/nói với mình là gì? Có gì hay để mình tiếp thu và cải thiện bản thân không? Vì đôi khi có những người rất ‘mean’ trong cách đưa feedback, nhưng trong lời nói của họ có ý tốt, thì mình chọn lọc.
  • Còn nếu mình biết mục đích là nói xấu, hạ nhục, nói không thật về mình thì nhớ đến thông điệp này của Đức Phật, khi ai đó mời mình đến nhà ăn tiệc, họ gói quà cho mình mang về mà mình không mang về, thì quà đó là của họ. Vậy, nếu họ nói xấu mình, mình không nhận những lời nói đó thì nó là của họ.  

Vân vân….

Một số người có thể không muốn tìm đến sự chẩn đoán từ các tâm lý gia vì nỗi sợ bị kỳ thị, tuy nhiên, việc chẩn đoán là một bước quan trọng cho quy trình điều trị và đẩy lùi chứng rối loạn tâm lý mà bạn gặp phải. Việc chẩn đoán không phải là gắn nhãn cho một vấn đề, mà là tìm hiểu các khía cạnh của vần đề, khám phá các giải pháp và hướng điều trị hiệu quả, từ đó, giúp bạn lấy lại sự kiểm soát và hạnh phúc trong cuộc sống.

Kendra Cherry

Nguồn tham khảo:

Chương Stress and Health (căng thẳng và sức khỏe) trong quyển sách “Psychology” của Saundra K. Ciccarelli và J. Noland White.

*Bài viết này chỉ có tính chất tham khảo và không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y tế.

Cảm ơn bạn đã ghé Miền An Trú, cùng đọc thêm các bài khác trên trang nhé. Happy reading !

Tags: cách giảm stresscách quản lý căng thẳngcách quản lý stresscăng thẳng
ShareShare
Previous Post

Tác động của giãn cách xã hội do Covid và các cách chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em và thanh thiếu niên

Next Post

7 cách chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch Covid-19

Kim Anh

Kim Anh

Một người thích viết và chia sẻ về chủ đề tâm lý, phát triển bản thân, tâm linh và chữa lành. Mục đích cốt yếu là để sống như tiến sĩ David R. Hawkins đã nói "Khi phát hiện ra thứ có khả năng loại bỏ đau khổ thì ta có trách nhiệm chia sẻ để nó giúp người khác". Hoan hỷ chào mừng và làm quen cùng bạn.

Related Posts

nghiện game online
Kiến thức khác

Hệ quả của việc nghiện game online đối với thanh thiếu niên

July 15, 2021
nghiên game online
Kiến thức khác

Chứng nghiện game trên máy tính

July 11, 2021
trầm cảm tuổi già
Kiến thức khác

Những điều nên biết về sức khỏe tâm thần của người cao tuổi

July 9, 2021
sức khỏe tâm thần của người trưởng thành
Kiến thức khác

Những điều nên biết về sức khỏe tâm thần của người trưởng thành

July 9, 2021
Những sự hiểu lầm xoay quanh các rối loạn tâm lý/tâm thần (P1)
Kiến thức khác

Những sự hiểu lầm xoay quanh các rối loạn tâm lý/tâm thần (P2)

July 8, 2021
Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch Covid
Kiến thức khác

7 cách chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch Covid-19

June 26, 2021
Next Post
Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch Covid

7 cách chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch Covid-19

cộng đồng lgbt

Come out là gì? Và làm sao nhận biết bản thân là LGBTQI+?

cộng đồng lgbt việt nam

Khó khăn trong tâm lý của cộng đồng LGBTQI+ và các bậc cha mẹ

Những sự hiểu lầm xoay quanh các rối loạn tâm lý/tâm thần (P1)

Những sự hiểu lầm xoay quanh các rối loạn tâm lý/tâm thần (P2)

Leave a Reply Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

  • Facebook của mình.
Chào mừng bạn về MAT.

© 2021 Bạn vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng nội dung bài viết nhé :)

No Result
View All Result
  • Trang Nhà
  • Về Kim
  • Kiến thức tâm lý
    • Tâm bệnh học
    • Kiến thức khác
    • Hiểu về LGBTQI+
    • Trải nghiệm học tâm lý tại Hà Lan
  • Hành trình tỉnh thức
    • Chia sẻ về phát triển bản thân
    • Sự kiện/workshop
    • 30 ngày nghe Pháp thoại
  • Review sách & phim
  • Kinh Nghiệm Thi IELTS 7.0

© 2021 Bạn vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng nội dung bài viết nhé :)

Welcome Back!

Login to your account below

Forgotten Password?

Create New Account!

Fill the forms below to register

All fields are required. Log In

Retrieve your password

Please enter your username or email address to reset your password.

Log In
error: Content is protected !!