Các khó khăn tâm lý mà cộng đồng LGBTQI+ gặp phải trong cuộc sống.
Dù Hiệp hội tâm lý học hoa kỳ (2008) đã ghi trong cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần (tái bản lần thứ 5 – DSM-V) rằng, đồng tính không phải là một căn bệnh tâm thần, cộng đồng LGBTQI+ vẫn gặp rất nhiều thử thách trong cuộc sống vì sự khác biệt trong xu hướng tính dục của họ.
Trải qua một thời gian dài, cộng đồng LGBTQI+ đã gặp phải rất nhiều định kiến và phân biệt đối xử trong cuộc sống, ở cả hai khía cạnh cá nhân và xã hội. Họ có thể được ví như là một tấm bảng gỗ, nơi hứng chịu những mũi tên mang theo những suy nghĩ và tư tưởng tiêu cực từ xã hội. Khi sự kì thị được thổi phồng và dâng lên cao trào, bạo lực và sự quấy rối đối với cộng đồng LGBTQI+ cũng đã diễn ra và mang theo nhiều hệ lụy trong cuộc sống.
Khi đại dịch HIV/AIDS diễn ra, sự kỳ thị và phân biệt đối với cộng đồng LGBTQI+ trở nên rất hà khắc và tiêu cực, đến nỗi trong thời kì đầu của đại dịch người ta gọi nó là ‘chứng bệnh đồng tính’ (gay disease). Có nhiều người tin rằng những người đồng tính bị ảnh hưởng rất nặng khi họ có HIV/AIDS và sử dụng niềm tin này để làm người đồng tính cảm thấy nhục nhã, nhưng niềm tin này là điều không chính xác.
Không chỉ bị nhìn nhận không đúng về nhân cách và tính cách, cộng đồng LGBTQI+ còn gặp phải sự đối xử không công bằng trong công việc, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, gia đình, quá trình làm cha mẹ, các giấy tờ liên quan đến hôn nhân, chính sách và pháp luật. Một bài báo cáo về chủ đề ‘Cộng động LGBT ở Châu Á: Việt Nam – Báo Cáo Quốc Gia’ được thực hiện bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) năm 2014 cho thấy, việc kỳ thị và lăng mạ cộng đồng LGBTQI+ trong công sở là phổ biến. Thậm chí ở môi trường giáo dục, một vài khảo sát cũng chỉ ra mức độ của hành vi bạo lực, quấy rối tình dục và bạo hành ngôn từ đối với cộng đồng LGBTQI+ là khá cao.
Trong lĩnh vực y tế, cộng đồng LGBTQI+ cũng gặp phải thái độ kì thị và do một số hạn chế về tài chính và các hạn chế khác, phần nhiều trong họ vẫn chưa thể tiếp cận dễ dàng đến các dịch vụ hỗ trợ như phẫu thuật chuyển giới, tư vấn về tiêm hormone hoặc tham vấn tâm lý. Dù các bệnh viện trong thành phố lớn đã có những buổi đào tạo và chia sẻ thông tin về dịch vụ chăm sóc dành cho cộng đồng LGBTQI+, các y bác sĩ cũng cần thêm nhiều buổi chia sẻ nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe của cộng đồng này (USAID, 2014).
Những thông tin ở trên chắc chắn chưa thể kể hết những thử thách mà cộng đồng LGBTQI+ phải đối diện, những thử thách này đã góp phần tác động trực tiếp đến tâm lý và những niềm tin trong cuộc sống của họ. Theo Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ (2008), các vấn đề tâm lý mà cộng động LGBTQI+ gặp phải là căng thẳng, trầm cảm hay đôi khi là sự chối từ chính bản thân và xu hướng tính dục của họ. Nếu rơi vào sự bất lực, họ có thể có suy nghĩ và hành vi tiêu cực, thậm chí là tìm đến cái chết để giải tỏa những căng thẳng tâm lý mà mình gặp phải.
Người thuộc cộng đồng LGBTQI+ là những bậc cha mẹ bình thường như bao bậc cha mẹ khác.
Khi cộng động LGBTQI+ lớn mạnh về số lượng, rất nhiều câu hỏi xoay quay chủ đề làm cha mẹ của họ được đặt ra. Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ (2008) đã đưa ra 4 câu hỏi phổ biến nhất kèm câu trả lời của họ dựa trên những nghiên cứu trước giờ về chủ đề này.
Lưu ý: đây là những nghiên cứu được thực hiện tại Mỹ, bối cảnh có thể khác với Việt Nam nhưng cũng là một khía cạnh tích cực để chúng ta hiểu và biết thêm về lĩnh vực gia đình của cộng đồng LGBTQI+.
Câu 1: Con cái của các cặp đồng tính nam và nữ có gặp nhiều khó khăn hơn khi xác định bản dạng giới (gender/sexual identity) so với con cái của các cặp dị tính (khác giới) không?
Ví dụ như các em có vấn đề trong các hành vi thể hiện giới tính trong xã hội? Câu trả lời rõ ràng là các danh tính về giới bao gồm bảng dạng giới, hành vi giới trong xã hội và xu hướng tính dục của các em có cha mẹ đồng tính phát triển một cách bình thường khi so sánh với các em có cha mẹ là dị tính. Tuy nhiên, đây là nghiên cứu trong các cặp đồng tính nữ và chưa có nhiều nghiên cứu trong các cặp đồng tính nam.
Câu 2: Con cái được nuôi dạy bởi các cặp đồng tính có gặp khó khăn nào khác trong việc phát triển bản thân ngoài chủ đề bản dạng giới không?
Ví dụ như liệu các em có dễ bị tổn thương và nhạy cảm với sự suy nhược về tinh thần, các em có gặp vấn đề trong hành vi thường ngày không, hoặc sức khỏe tâm lý của các em sẽ không khỏe mạnh bằng các em khác? Một lần nữa, các nghiên cứu về nhân cách, khái niệm bản thân và rối loạn hành vi chỉ ra không có sự khác biệt đáng kể nào giữa con cái của các cặp đồng tính và dị tính.
Câu 3: Con cái của các cặp đồng tính có xu hướng gặp vấn đề trong các mối quan hệ xã hội không?
Ví dụ như các em có bị trêu chọc hay đối xử không tốt bởi bạn bè của mình không? Một lần nữa, các nghiên cứu cho thấy con cái của các cặp đồng tính có mối quan hệ xã hội bình thường với bạn bè và người lớn tuổi hơn. Các em vẫn tận hưởng một cuộc sống với các mối quan hệ xã hội lành mạnh.
Câu 4: Liệu những đứa trẻ này có xu hướng bị bạo hành về tình dục bởi một trong hai phụ huynh hoặc bạn bè hay người thân của cha mẹ không?
Cũng không có nghiên cứu nào cho thấy con cái của các cặp đồng tính dễ bị bạo hành về tình dục bởi phụ huynh và bạn bè của họ.
Nhìn chung, khoa học xã hội đã cho chúng ta thấy những sự lo lắng về việc nuôi dạy con cái của các cặp đồng tính được tạo ra dựa trên những định kiến và khuôn mẫu xã hội về cộng đồng LGBTQI+. Sự chính xác của những khuôn mẫu và định kiến này cần phải được nghiên cứu thêm để cộng đồng LGBTQI+ được tôn trọng, tiếp tục hành trình cuộc đời và sống một cách hạnh phúc như bao người trong xã hội.
Tâm lý của các bậc cha mẹ như thế nào khi có con thuộc cộng đồng LGBTQI+?
Có thể nói mọi chủ đề trong cuộc sống dường như luôn có hai luồng ý kiến. Nếu có bậc cha mẹ cảm thấy lo lắng và phản ứng tiêu cực (như cố kiểm soát, đuổi khỏi nhà, ngăn cấm hoặc dẫn con đi khám thần kinh) trước thông tin con mình yêu người đồng giới, thì cũng có bậc cha mẹ lo lắng, nhưng vẫn yêu thương, chấp nhận và đồng hành cùng con trên hành trình cuộc đời.
Theo một nghiên cứu từ trường đại học George Washington tại Mỹ trên 1,200 phụ huynh có con thuộc cộng đồng LGBTQI+ độ tuổi từ 10 đến 25 cho thấy, nhiều phụ huynh sau 2 năm vẫn cảm thấy khó khăn để họ chấp nhận được điều đó (Science daily, 2019). Song tại Việt Nam, cũng có một bà mẹ – chị Yến Ly, đã mất 5 năm để trăn trở và chấp nhận thông tin con mình là người đồng tính.
Trong quá trình chấp nhận, chị Yến Ly đã từng nghĩ đồng tính là một căn bệnh hay điều gì đó bất thường. Chị bắt đầu tìm đọc thông tin trên mạng về cộng đồng LGBTQI+, đọc về những thử thách và khó khăn họ phải đối mặt hằng ngày. Cho đến khi “nhận được bức thư từ con trai, chia sẻ nỗi đau mà cậu trải qua khi chấp nhận bản thân mình và mong muốn mẹ đồng ý, chị đã thay đổi” (USAID, n.d.).
Các phương án hỗ trợ cộng đồng LGBTQI+.
Để có thể thúc đẩy sự thay đổi và sự chấp nhận từ xã hội đối với cuộc sống của cộng đồng LGBTQI+, sự đoàn kết, yêu thương, tôn trọng và các hành động cụ thể từ nhiều ban ngành rất cần được phát thảo và thực hiện.
Các hành động hỗ trợ đến từ cộng đồng và các bậc cha mẹ:
- Tự tìm tòi, đọc thêm thông tin và giáo dục bản thân để nâng cao sự thấu hiểu.
- Tìm hiểu thêm về cộng đồng LGBTQI+ và những khó khăn, thử thách của họ.
- Tìm hiểu thêm về luật nhân quyền và mối liên hệ của nó đến cộng đồng LGBTQI+.
- Hãy trở nên hữu ích và khích lệ các thành viên trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp yêu thương và đối xử công bằng với cộng đồng LGBTQI+.
- Nói lên tiếng nói của mình nếu bạn chứng kiến (hoặc là nạn nhân) của nạn phân biệt đối xử đối với cộng đồng LGBTQI+.
Các hành động đến từ bản thân cộng đồng LGBTQI+ (USAID, 2014):
- Các bạn trong cộng đồng hãy cùng chung tay và nói chung một tiếng nói. Sẽ không có sự phân biệt nào giữa những thành viên, và giữa những người có xu hướng tính dục khác nhau.
- Hãy cùng nhau thiết lập một mạng lưới để làm việc cùng nhau và cống hiến giá trị cho xã hội và phong trào thúc đẩy sự phát triển cộng đồng LGBTQI+ ở tầm quốc gia.
Ngoài ra, chúng ta còn rất cần các nhà làm luật để vận động chính sách, thúc đẩy sự nhìn nhận và công bằng trên mặt pháp luật về hôn nhân đồng tính hay các thủ tục liên quan đến pháp luật, sức khỏe, công việc, dịch vụ hỗ trợ…cho cộng đồng LGBTQI+ (USAID, 2014).
Trên phương diện truyền thông, chúng ta cũng rất cần những buổi triển lãm, buổi chia sẻ, phim ảnh, hay các tài liệu về sự đa dạng giới để cung cấp thêm thông tin và nâng cao sự nhận biết trong cộng đồng.
Dưới đây là một số nguồn website tin cậy dành cho các bậc phụ huynh và cộng đồng LGBTQI+ tiếp cận và tìm hiểu thêm về các chủ đề liên quan đến cuộc sống của cộng đồng LGBTQI+ tại Việt Nam:
Các tổ chức dân sự xã hội được thành lập tại Việt Nam và tập trung nghiên cứu cũng như thúc đẩy, bảo vệ quyền lợi của cộng đồng LGBTQI+. Các tổ chức này gồm có:
· Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) thành lập năm 2007.
· Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) thành lập năm 1999.
· Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) thành lập năm 2001.
· Tổ chức Chia sẻ và Kết nối thông tin (ICS) ra đời năm 2008 với sứ mệnh tăng quyền của cộng đồng LGBTQI+ tại Việt Nam thông qua các hoạt động đa dạng như: tập huấn, hội thảo, tổ chức sự kiện, cung cấp dịch vụ tư vấn, các khóa học nâng cao năng lực và tăng quyền của cộng đồng LGBTQI+.
-Website viện ISEE: http://isee.org.vn/
-Facebook viện ISEE: https://www.facebook.com/iseevn
-Hội phụ huynh và người thân của người đồng tính, song tính, chuyển giới, liên giới tính, đa dạng giới và tính dục việt nam (Parents, Families & Friends of LGBTIQ people in Viet Nam – PFLAGVN): https://www.facebook.com/pflagvn
-Nhóm trên Facebook của PFLAGVN: https://www.facebook.com/groups/pflagsaigon/
-Thư viện tài liệu pháp lý về LGBTQI+: http://www.thuvien.lgbt/#thuvien
-Cẩm nang “những đứa con của chúng ta pflag việt nam hỏi – đáp dành cho phụ huynh của người đồng tính, song tính” bảng PDF: http://isee.org.vn/wp-content/uploads/2018/11/nhung-dua-con-cua-chung-ta-hoi-dap-danh-cho-phu-huynh-cua-nguoi-dong-tinh-song-tinh..pdf
Nguồn tham khảo:
American Psychology Association (APA), (2008). Sexual Orientation & Homosexuality. Retrieved from: https://www.apa.org/topics/lgbt/orientation
Science Daily, (June 18, 2019). Many parents struggle for years to adjust after learning a child’s sexual orientation. Retrieved from: https://www.sciencedaily.com/releases/2019/06/190618224055.htm
USAID, (2014). Being LGBT in Asia: Viet Nam country report. Retrieved from: https://www.usaid.gov/sites/default/files/documents/1861/Being_LGBT_in_Asia_Viet_Nam_report_ENG.pdf
USAID, (n.d.). Cha mẹ chung tay vì quyền của cộng đồng lgbt tại việt nam. Retrieved from: https://2012-2017.usaid.gov/vi/results-data/success-stories/mom-joins-fight-lesbian-gay-bisexual-and-transgender-equal-rights
Cảm ơn bạn đã ghé Miền An Trú, cùng đọc thêm các bài khác trên trang nhé. Happy reading !