Tiếp nối về 10 quan niệm không chính xác về các rối loạn tâm lý ở phần 1, phần 2 này chúng ta sẽ tìm hiểu thêm 5 quan niệm khác. Những thông tin này sẽ giúp bạn có cách tiếp cận cởi mở với những người mắc phải một số rối loạn tâm lý/tâm thần trong cuộc sống. Từ hiểu và biết, ta mới đi đến thương.
1. Chỉ có những người không có bạn mới cần đi trị liệu tâm lý.
Đây là một điều không chính xác vì những người có bạn bè đôi khi cũng cần đến nhà trị liệu. Lý do là vì khi xét ở mặt chuyên môn, nhà trị liệu sẽ có những cách thức hỗ trợ khách quan, khoa học và bảo mật để giúp đỡ thân chủ (người có rối loạn). Trong khi đó, một người bạn cũng có thể giúp chúng ta sẻ chia các vấn đề ta đang gặp phải ở mặt tâm lý, nhưng không phải người bạn nào cũng có đủ thời gian, kinh nghiệm để chia sẻ với chúng ta. Và không phải ai trong chúng ta cũng có thể dễ dàng mở lòng để chia sẻ các vấn đề của mình với bạn bè. Ngoài ra, có những người không có bạn thân nên tùy vào mức độ của rối loạn mà ta sẽ cân nhắc đến việc có đến gặp nhà trị liệu hay không.
2. Các RLTL/TT là vĩnh viễn và không thể chữa khỏi.
Điều này cũng không chính xác vì có nhiều dạng rối loạn có thể được chữa trị một cách hiệu quả, tuy nhiên, mỗi cá nhân sẽ có những trải nghiệm riêng và tốc độ hồi phục khác nhau, không ai giống ai. Có những người sau khi trải qua các cơn rối loạn lại trở về với trạng thái bình thường. Trong khi người khác lại tìm thấy sự hiệu quả ở các buổi trị liệu hoặc uống thuốc kê đơn.
Ngoài ra, có người sẽ thấy họ đã vượt qua rối loạn hoàn toàn trong khi người khác lại cảm thấy không khá lên. Nhưng nhìn chung, những chứng rối loạn tâm lý sẽ thuyên giảm theo thời gian.
Một điều quan trọng nữa là sự hồi phục có thể được định nghĩa rất khác bởi nhiều người. Có người tin rằng hồi phục là khi họ trở về với con người trước khi có rối loạn, và có người tin rằng việc các triệu chứng tâm lý thuyên giảm và họ có thể hài lòng trở lại với cuộc sống đã thể hiện sự hồi phục. Đây là một cuộc hành trình cần có thời gian và những sự thay đổi tích cực có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
3. RLTL/TT có phải là một dạng thiểu năng trí tuệ hay tổn thương não không?
Câu trả lời là không vì rối loạn tâm lý/tâm thần trông cũng như các loại bệnh khác như bệnh tim, tiểu đường hay hen suyễn, nhưng sự hỗ trợ, những bông hoa và sự cảm thông dường như thường được dành cho những người có bệnh về mặt cơ thể hơn là về mặt tinh thần.
4. Những người có RLTL/TT có nên được tách ra khỏi cộng động?
Điều này là không cần thiết vì thật ra phần lớn người có rối loạn tâm lý đều không cần phải nhập viện và có thể hồi phục được. Điều này có thể xuất phát từ những kết quả tích cực từ nhiều phương pháp trị liệu và sự cải thiện ở người mắc rối loạn sau điều trị. Chỉ có một phần nhỏ những người có rối loạn cần phải nhập viện vì một số lý do bất khả kháng.
5. Có phải việc đối mặt với những định kiến sai lầm và sự kỳ thị là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà người mắc phải RLTL/TT phải đối mặt?
Điều này là chính xác. Một trong những điều khó khăn nhất mà người có rối loạn tâm lý phải đối mặt đó chính là thái độ tiêu cực và những định kiến không đúng từ người khác. Đã có nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra ví dụ như người mắc phải rối loạn bị cô lập và bị phân biệt đối xử trong nhiều tình huống. Việc này gây ảnh hưởng đến con đường hồi phục và tái hòa nhập vào cộng đồng của họ, và may thay, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi điều đó.
Lời nhắn từ người viết: như bạn đã đọc qua các thông tin ở phần 1 và phần 2 này, bạn sẽ thấy chúng ta không tự nhiên mà mắc phải các rối loạn tâm lý. Những rối loạn này có thể bắt nguồn từ cách ta phản ứng với những sự kiện diễn ra trong cuộc sống, cách ta nhìn nhận chính mình, sự tương tác hai chiều giữa ta với môi trường xung quanh và vân vân. Bạn hay người thân của bạn có thể mắc phải rối loạn tâm lý bất cứ lúc nào, vì vậy, để cùng nhau vượt qua một cách hiệu quả và duy trì sự khỏe mạnh cho sức khỏe tinh thần và thể chất, hãy cảm thông cho nhau, yêu thương nhau và cởi mở, chia sẻ, lắng nghe người khác để thật sự hiểu trước khi phán xét một điều gì đó. Như vậy, người mắc phải RLTL/TT sẽ phục hồi nhanh hơn, và có thể sử dụng niềm hạnh phúc, sự tự tin và khả năng của họ để làm đẹp và cống hiến cho cuộc đời.
Nguồn tham khảo:
Australian Department of Health, (May 2007). Myths, misunderstandings and facts about mental illness. Retrieved from: www1.health.gov.au/internet/publications/publishing.nsf/Content/mental-pubs-w-whatmen-toc~mental-pubs-w-whatmen-myth
Mental health, (August 29, 2017). Mental health myths and facts. Retrieved from: www.mentalhealth.gov/basics/mental-health-myths-facts
Morin, A. (November 09. 2015). The 5 Most Common Misconceptions About Mental Illness. Retrieved from: www.psychologytoday.com/us/blog/what-mentally-strong-people-dont-do/201511/the-5-most-common-misconceptions-about-mental
National alliance of mental health (NAMI), (October 01, 2019). Six myths and facts about mental illness. Retrieved from: www.nami.org/Blogs/NAMI-Blog/October-2019/Six-Myths-and-Facts-about-Mental-Illness
Newman, T. (October 5, 2020). Medical myths: mental health misconceptions. Retrieved from: www.medicalnewstoday.com/articles/medical-myths-mental-health-misconceptions
Cảm ơn bạn đã ghé Miền An Trú, cùng đọc thêm các bài khác trên trang nhé. Happy reading !
*Bài viết này chỉ có tính chất tham khảo và không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y tế.