Sau khi rời khỏi chiếc ghế nhà trường, đa phần chúng ta sẽ trải qua nhiều thử thách trong cuộc sống ở độ tuổi trưởng thành. Những sự va chạm này có thể xảy ra ở nhiều lĩnh vực như tình yêu, hôn nhân, công việc, định hướng phát triển bản thân, tương tác xã hội…và gây ra những tác động tiêu cực lẫn tích cực lên mặt tâm lý.
Sức khỏe tâm thần (mental health) hiện nay là một phần không thể thiếu khi ta nhắc đến sức khỏe tổng thể của một con người – bao gồm cả sức khỏe thể chất. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới – WHO (n.d.), sức khỏe tầm thần “là một trạng thái khỏe mạnh, vui vẻ mà trong đó mỗi cá nhân nhận biết được khả năng của bản thân, có thể ứng phó với sự căng thẳng thông thường, làm việc hiệu quả và có sự đóng góp cho cộng đồng”.
Các rối loạn tâm lý/tâm thần (psychological disorder/mental disorders/psychiatric disorders) được định nghĩa là những khuôn mẫu hành vi hay những triệu chứng tâm lý, như thay đổi trong cảm xúc và suy nghĩ, gây ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống (học tập, sinh hoạt, làm việc, cống hiến…) (Cherry, 2020 & Parekh, 2018).
Bệnh viện tâm thần quốc gia tại Việt Nam đã thống kê vào năm 2014, mức độ phổ biến của 10 rối loạn tâm lý/tâm thần là 14.2% và trong đó, chứng trầm cảm chiếm đến 2.45% (WHO, n.d.). Và một thống kê từ báo Vietnam news (2018) đã chỉ ra có gần 3.000.000 người trẻ Việt bị ảnh hưởng bởi các rối loạn tâm lý/tâm thần và chỉ có 20% trong số này được điều trị về mặt y tế, trong khi số người còn lại thì vướng vào lạm dụng bia rượu, thuốc lá và chất kích thích.
Ước tính trên toàn cầu về sự thiệt hại kinh tế bị gây ra bởi các rối loạn tâm lý/tâm thần đến năm 2023 có thể đạt đến 6 ngàn tỷ USD, và trong đó, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình chiếm đến 35% (Hyman, Parikh, Collins & Patel, 2016).
Nhà nghiên cứu Weiss và cộng sự (trích trong Hyman và cộng sự, 2016) chia sẻ rằng ở nhiều nước trên thế giới, những rối loạn tâm lý/tâm thần thường gắn liền với sự sỉ nhục và cái nhìn thấp kém. Sự phát triển chậm của khoa học về thuyết nguyên nhân của các rối loạn và những niềm tin không chính xác, ví dụ như triệu chứng bệnh thể hiện sự thiếu ý chí hay thiếu đạo đức, đã dẫn đến sự hình thành của nhiều định kiến tiêu cực và phân biệt đối xử.
Do đó, ở những nền văn hóa này, sự xấu hổ và sự sợ hãi đã trở thành những rào cản khi ai đó mắc phải các rối loạn và muốn tìm kiếm sự giúp đỡ, chẩn đoán hay điều trị.
Một số người có thể không muốn tìm đến sự chẩn đoán từ các tâm lý gia vì nỗi sợ bị kỳ thị, tuy nhiên, việc chẩn đoán là một bước quan trọng cho quy trình điều trị và đẩy lùi chứng rối loạn tâm lý mà bạn gặp phải. Việc chẩn đoán không phải là gắn nhãn cho một vấn đề, mà là tìm hiểu các khía cạnh của vần đề, khám phá các giải pháp và hướng điều trị hiệu quả, từ đó, giúp bạn lấy lại sự kiểm soát và hạnh phúc trong cuộc sống.
Kendra Cherry
MỘT SỐ RỐI LOẠN TÂM LÝ/TÂM THẦN PHỔ BIẾN Ở NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH.
Hyman và cộng sự (2016) đã nêu ra 4 rối loạn tâm lý/tâm thần phổ biến trên toàn cầu của người trưởng thành trong chương sách ‘Các rối loạn tâm lý/tâm thần ở người trưởng thành’, bao gồm:
- Rối loạn lo âu
- Trầm cảm
- Rối loạn lưỡng cực
- Tâm thần phân liệt
Ngoài ra, ở độ tuổi này người trưởng thành còn có thể bị ảnh hưởng bởi rối loạn giấc ngủ, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và vân vân.
CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ GÂY RA CÁC RỐI LOẠN TÂM LÝ/TÂM THẦN Ở NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH.
Các yếu tố nguy cơ gây ra các rối loạn dường như không thay đổi ở các lứa tuổi. Có 4 nhóm yếu tố chính như (Hyman, 2016):
- Gen (mang tính di truyền)
- Quá trình phát triển của mỗi cá nhân
- Xã hội
- Và môi trường xung quanh
Ví dụ như rối loạn tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực là 2 dạng rối loạn bị ảnh hưởng bởi gen nhiều nhất, lên đến 65 – 80% trong tính di truyền (Sullivan, Daly, & O’Donovan, 2012, trích trong Hyman, 2016). Trong khi đó, rối loạn lo âu và trầm cảm nặng lại bị ảnh hưởng chủ yếu bởi yếu tố môi trường.
Nguồn tham khảo:
Centers for disease control and prevention (CDC), (January 26, 2021). What is children’s mental health?. Retrieved from: www.cdc.gov/childrensmentalhealth/basics.html
Cherry, K. (March 19, 2020). A List of Psychological Disorders. Retrieved from: www.verywellmind.com/a-list-of-psychological-disorders-2794776
Hyman, S., Parikh, R., Collins, P. Y., & Patel, V. (2016). Chapter 4: Adult Mental Disorders. Washington (DC): The International Bank for Reconstruction and Development / The World Bank. www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK361952/
Parekh, R. (August, 2018). What Is Mental Illness? Retrieved from: www.psychiatry.org/patients-families/what-is-mental-illness
Vietnam News, (November 06, 2018). Three million Vietnamese youths suffer from mental health problems. Retrieved from: vietnamnews.vn/society/469234/three-million-vietnamese-youths-suffer-from-mental-health-problems.html
World Health Organization, (n.d.). Mental health. Retrieved from: www.who.int/research-observatory/analyses/mentalhealth/en/
World Health Organization, (n.d.). Mental health. Retrieved from www.who.int/vietnam/health-topics/mental-health
Cảm ơn bạn đã ghé Miền An Trú, cùng đọc thêm các bài khác trên trang nhé. Happy reading !